Là người đã nghiên cứu và phục dựng nhiều lễ hội truyền thống, trong buổi tọa đàm, PGS, TS Bùi Quang Thắng nhấn mạnh vấn đề sáng tạo lễ hội nói riêng và sáng tạo văn hóa nói chung.
Trước những thông tin rằng, những lễ hội hiện nay có nhiều thay đổi so với truyền thống để thu hút du khách, đôi khi chạy theo lợi ích kinh tế mà đánh mất ý nghĩa của truyền thống, của lịch sử, ông cho rằng: “Văn hóa không cần sự chính xác, không được đòi hỏi văn hóa phải có tính chân thực lịch sử. Chúng ta có vốn văn hóa thì phải sáng tạo và phát huy thành vốn kinh tế. Đó không phải là sai lệch văn hóa, sáng tạo không làm hại đến ai mà chỉ có lợi cho cộng đồng là việc đáng động viên. Văn hóa không phải chỉ có tiền nhân mới có quyền sáng tạo. Trong thời đại chúng ta phải sáng tạo thêm chứ. Tại sao cứ trông chờ mãi vào tiền nhân? Nếu chỉ trông chờ vào tiền nhân thì ta thấy có một vài lễ hội tốt thôi”.
Nói về câu chuyện phục dựng các lễ hội truyền thống, PGS, TS Bùi Quang Thắng đã nghiên cứu và phục dựng nhiều lễ hội truyền thống như Lễ hội Xuân Phả (Thanh Hóa), Lễ hội Lam Kinh (Thanh Hóa), Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), Lễ hội Tịch điền (Hà Nam)... Ông nói rằng, việc phục dựng lễ hội phải dựa vào cấu trúc của lễ hội đó, nếu sai cấu trúc thì sẽ không thành lễ hội. Những nghi lễ và diễn xướng phải giữ vững tinh thần của dân gian nhưng truyền tải bằng ngôn ngữ đương đại.
Lễ hội rất quan trọng đối với văn hóa. Lễ hội là để cố kết cộng đồng và biểu thị sự sáng tạo văn hóa của cộng đồng đó. Đến với một lễ hội là để hòa mình vào không khí của cộng đồng trong lễ hội đó. Những nghi lễ cổ xưa, những diễn xướng và trò chơi dân gian gắn bó như một sinh hoạt tất nhiên của đời sống tín ngưỡng và văn hóa người Việt.